Đẻ mổ luôn là phương án “dự phòng” khi mẹ bầu không thể đẻ thường do một số vấn đề về sức khỏe, biến chứng thai kỳ hay đơn giản do thai chưa chuyển về ngôi thuận. Sau khi thực hiện đường rạch tại thành tử cung, phía bụng dưới, bác sĩ phẫu thuật tiến hành đưa thai nhi ra ngoài, đồng thời bóc tách nhau thai và dọn vệ sinh buồng tử cung. Sau đó, các mẹ sẽ được khâu lại vết mổ cẩn thận bằng chỉ không tiêu hoặc chỉ tự tiêu. Đa phần các mẹ đều có suy nghĩ sử dụng chỉ tự tiêu. Thế nhưng, nếu đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu, mẹ phải làm sao?

1. Tìm hiểu về chỉ tự tiêu dùng trong phẫu thuật

Chỉ tự tiêu là một trong những loại chỉ chuyên dụng được sử dụng trong phẫu thuật xâm lấn trên cơ thể người. Vậy, bạn đã hiểu rõ về loại chỉ này hay chưa?

1.1. Khái niệm chỉ tự tiêu

Chỉ tự tiêu là loại chỉ y tế được cấu tạo từ những thành phần chính đặc biệt như collagen có trong ruột bò, cừu, polyme tổng hợp hay protein động vật. Theo nghiên cứu, những thành phần này dễ dàng được cơ thể người phân hủy, hấp thụ. Vì vậy, khi được khâu vết mổ phẫu thuật bằng chỉ tự tiêu, người bệnh sẽ không cần phải quay lại bệnh viện thực hiện cắt chỉ.

Chỉ tự tiêu được dùng nhiều trong phẫu thuật, trong đó có cả phẫu thuật Sản khoa

Chỉ tự tiêu có thể đóng kín miệng vết thương và được phân hủy bởi các enzyme – là một phần mô của cơ thể sau khoảng 10 ngày. Khả năng chịu lực của chỉ tự tiêu cũng giảm dần theo thời gian phân hủy của nó.

Khả năng chịu lực ngắn hơn chỉ không tiêu, nhưng chỉ tự tiêu lại sở hữu những ưu điểm riêng:

– Hạn chế những phản ứng của cơ thể với ngoại vật

– Hạn chế việc nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng tại vết rạch mổ đẻ.

– Không cần can thiệp tháo chỉ sau khi vết thương đã dần ổn định.

– Tính thẩm mỹ được đảm bảo hơn, hạn chế nguy cơ sẹo xấu.

1.2. Phân loại các loại chỉ tự tiêu được sử dụng phổ biến hiện nay

Đối với chỉ tự tiêu dùng trong phẫu thuật,  hiện có những loại sau:

– Chỉ tự tiêu catgut: Đây là loại chỉ có nguồn gốc từ huyết thanh và collagen trong ruột của động vật. Khả năng phân hủy rơi vào khoảng 10 ngày.

– Chỉ tự tiêu polyglycolic acid: Nguyên liệu làm nên loại chỉ này là Polyglycolic Acid và được phủ Poly. Khả năng phân hủy của loại chỉ này từ 60 đến 90 ngày.

– Chỉ tự tiêu polyglyconate: Đây là loại chỉ tự tiêu có độ dai tốt vì là loại chỉ đơn sợi, cũng là loại có độ an toàn cao.

– Chỉ tự tiêu polydioxanone: Chỉ này có nguyên liệu chính là các vật liệu tổng hợp, được dùng nhiều tại các vết khâu trên mô mềm và có khả năng tự tiêu sau 60 ngày.

– Chỉ tự tiêu polygratin acid: Loại chỉ này có độ dai cao, vì vậy mà thời gian tự tiêu kéo dài hơn các loại chỉ khác.

Việc chỉ định sử dụng chỉ tự tiêu thường được áp dụng trong các trường hợp:

– Một số phẫu thuật liên quan tới răng miệng, các phần mô mềm.

– Phẫu thuật mô liên kết, cơ.

– Phẫu thuật ghép da.

– Vùng bụng từng thực hiện phẫu thuật.

– Phẫu thuật phụ khoa, tầng sinh môn khi sinh thường.

2. Thế nào là dị ứng chỉ tự tiêu khi đẻ mổ và triệu chứng của sản phụ khi dị ứng chỉ tự tiêu

Rất nhiều người cho rằng chỉ tự tiêu là một loại chỉ chuyên dụng được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật, y khoa, vì vậy chắc chắn loại chỉ này có thể sử dụng và phù hợp với nhiều đối tượng. Vậy điều này có thực sự đúng hay chỉ là lời đồn thổi?

2.1. Sản phụ sau đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu

Do chỉ tự tiêu được cấu thành từ một số nguyên liệu đặc biệt nên việc có thể hoàn toàn tương thích với cơ thể của tất cả mọi người là rất khó. Vì vậy, dị ứng chỉ tự tiêu là tình trạng thể hiện việc cơ thể không tiếp nhận loại chỉ này, khiến cho chỉ không thể tự phân hủy và còn dẫn tới một số triệu chứng bất thường. Tùy vào thể trạng của từng người mà việc dị ứng chỉ tự tiêu sẽ cho những triệu chứng, biểu hiện khác nhau.

Chỉ tự tiêu cũng có thể không tương thích với cơ địa nhiều người, dẫn tới việc đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu

Việc phát hiện bị dị ứng chỉ tự tiêu là khá khó, đặc biệt là với những sản phụ sau đẻ mổ. Lúc này, vết thương chưa lành hẳn, chỉ tự tiêu khi gây kích ứng với cơ thể lại có phản ứng chậm. Đồng thời, sản phụ vẫn còn thấy đau nhức, vết thương dễ nhiễm trùng, mưng mủ, rất giống với những biểu hiện khi bị dị ứng chỉ tự tiêu.

2.2. Triệu chứng của sản phụ đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu

Việc đẻ mổ, sau đó bị dị ứng chỉ tự tiêu rất thường xảy ra. Dù trước ca sinh mổ, thai phụ đều được thực hiện xét nghiệm tiền phẫu thuật nhưng việc kiểm tra và xác định các mẹ có dị ứng, kích ứng với chỉ tự tiêu không lại rất khó.

Khi bị dị ứng chỉ tự tiêu, phản ứng của cơ thể không diễn ra ngay sau ca mổ mà phải sau vài ngày, khi sản phụ đã rời viện, trở về nhà mới có thể nhận thấy được. Một số triệu chứng của các mẹ đẻ mổ bị dị ứng với chỉ tự tiêu gồm:

– Vết mổ tấy đỏ, sưng nề.

– Vết thương có chảy dịch, mưng mủ.

– Dễ bị nhiễm trùng, cảm thấy ngứa và cực kỳ khó chịu.

– Sản phụ bị sốt nhẹ tới sốt cao.

3. Điều trị tình trạng dị ứng chỉ tự tiêu ở sản phụ đẻ mổ như thế nào?

Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lành lại, phục hồi của vết mổ sau sinh. Vì vậy, sản phụ bị dị ứng do chỉ tự tiêu sau đẻ mổ nên tìm tới các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ xử lý.

Phương pháp điều trị cho những trường hợp sản phụ bị dị ứng chỉ tự tiêu chính là phẫu thuật rạch vết mổ để nạo mủ và thấm hút dịch.

Phương pháp điều trị tình trạng dị ứng chỉ tự tiêu ở sản phụ là nạo mủ và thấm hút dịch

Sau đó, người bệnh cần được tiêm kháng sinh, nạo mủ mỗi ngày để loại bỏ hoàn toàn phần bị viêm, nhiễm trùng. Tình trạng này nếu được phát hiện sớm, việc điều trị có thể không mất quá nhiều thời gian, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu để lâu, nhiễm trùng lan rộng, các mẹ có thể phải điều trị tới 1 tháng, thậm chí có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử phần vết mổ bị kích ứng do chỉ tự tiêu.

4. Những lưu ý cần nhớ để không lo đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kích ứng, dị ứng với chỉ tự tiêu là do cơ địa. Tuy nhiên, nếu vết mổ không được chăm sóc cẩn thận, không được vệ sinh kỹ lưỡng, nguy cơ kích ứng còn có thể cao hơn. Vì vậy, chị em nên lưu ý một số điều sau để tránh bị dị ứng với chỉ tự tiêu sau đẻ mổ:

– Mặc quần áo rộng và thoáng, chất liệu thấm hút tốt.

– Chú ý giữ gìn vết mổ đẻ và các khu vực xung quanh thật khô và sạch. Chị em không để vết thương tiếp xúc với bất cứ yếu tố nào dễ dẫn tới viêm, nhiễm trùng, kể cả là nước.

– Chú ý cách thay băng gạc, dùng dung dịch sát trùng hay nước muối sinh lý để vệ sinh cho vết mổ. Trong quá trình thay gạc, sản phụ cần nhớ toàn bộ dụng cụ phải được vô trùng, đặt an toàn và vệ sinh lên đầu.

– Chú ý áp dụng một số lời khuyên, lời dặn của bác sĩ, nhất là vấn đề ăn uống.

– Không ngâm bồn hoặc bơi đến khi không có vấn đề gì cần lo ngại về vết mổ đẻ.

– Tránh hoạt động mạnh để hạn chế việc cơ, da hay thậm chí vết thương bị nứt hoặc xuất huyết.

– Không gãi, tác động bất cứ thứ gì vào thời điểm da mọc da non.

– Ăn và bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất, các loại vitamin, đặc biệt là A, B6, B12, E,… để tăng đề kháng, nâng cao khả năng phục các tế bào, mô sau sinh.

–  Không sử dụng những nhóm thực phẩm có thể để lại sẹo.

Vậy là những thông tin trên đã giải đáp các vấn đề cần chú ý khi đẻ mổ dị ứng chỉ tự tiêu. Sau khi tham khảo, có thể thấy việc sử dụng chỉ tự tiêu để khiến vết mổ phục hồi nhanh, thẩm mỹ hơn không có gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên, các mẹ nên lựa chọn kỹ lưỡng cơ sở y tế chuyên khoa phù hợp, có đội ngũ y bác sĩ tay nghề tốt, kiến thức chuyên môn sâu để được tư vấn nên dùng loại chỉ nào phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.