Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Các tế bào bạch cầu đi qua đường máu và tiêu diệt các vi-rút, vi khuẩn và các vật lạ trong cơ thể người có thể gây nên bệnh tật hoặc viêm nhiễm. Các tế bào bạch cầu tạo nên hàng rào phòng thủ để bảo vệ cơ thể khỏi những vật lạ.
1. Bạch cầu là gì?
Máu được tạo thành từ các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương. Số lượng bạch cầu (còn được gọi là tế bào miễn dịch) chỉ chiếm 1% máu nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại bệnh tật.
Tủy xương tạo nên các tế bào gốc máu và các tế bào gốc máu này tạo ra hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bạch cầu được lưu trữ trong máu và các mô bạch huyết. Do thời gian sống của bạch cầu chỉ từ 1 - 3 ngày, tuỷ xương liên tiếp tạo ra các tế bào gốc máu để biến thành bạch cầu.
2. Các loại bạch cầu
- Bạch cầu đơn nhân: 5 - 12% các tế bào bạch cầu là bạch cầu đơn nhân. Chúng có thời gian sống dài hơn các loại bạch cầu khác và có vai trò ‘dọn dẹp’ các tế bào đã chết và chống lại vi khuẩn.
- Tế bào lympho (tế bào lympho T và tế bào lympho B): Tế bào lympho cũng rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Tế bào lympho T có vai trò trực tiếp tiêu diệt một số vật lạ trong cơ thể người. Tế bào lympho B đóng vai trò trong quá trình miễn dịch dịch thể bằng cách sản xuất ra các kháng thể có khả năng “ghi nhớ” các vật gây nên nhiễm trùng và nhận diện lần tiếp theo việc nhiễm trùng này xảy ra.
- Bạch cầu trung tính: Khoảng 50% của các tế bào bạch cầu là bạch cầu trung tính. Bạch cầu trung tính thường là các tế bào đầu tiên phản ứng khi có vật lạ xâm nhập vào cơ thể người như vi khuẩn hoặc vi-rút. Chúng cũng có vai trò gửi tín hiệu cảnh báo đến các tế bào khác trong hệ miễn dịch để kịp thời xử lý các vật lạ. Thời gian sống của bạch cầu trung tính chỉ kéo dài khoảng 8 tiếng, tuy nhiên cơ thể người tạo ra 100 tỷ tế bào bạch cầu trung tính mỗi ngày.
- Bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan có vai trò chống lại các viêm nhiễm được gây ra do các loại ký sinh trùng (như giun sán). Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của bạch cầu ái toan là chống lại các vật lạ có thể gây nên các phản ứng dị ứng. Bạch cầu ái toan chỉ chiếm 5% các loại bạch cầu và có nồng độ cao trong đường tiêu hoá.
- Bạch cầu ái kiềm: Vai trò quan trọng nhất của bạch cầu ái kiềm là trong bệnh hen suyễn. Chúng tiết ra các hoá chất như histamin để hỗ trợ cơ thể có phản ứng phù hợp với các vật lạ.
3. Nguyên nhân số lượng bạch cầu tăng cao
Nguyên nhân dẫn đến lượng bạch cầu tăng cao thường là việc nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc lượng bạch cầu tăng cao cũng có thể báo hiệu một số các bệnh lý khác hoặc do một số bệnh lý khác gây nên:
- Các loại ung thư như ung thư máu và ung thư tủy xương (bệnh bạch cầu), u lympho, u tuỷ
- Các bệnh viêm như viêm ruột và các bệnh tự miễn
- Các loại chấn thương từ gãy xương cho đến việc căng thẳng
- Bệnh hen suyễn và các phản ứng dị ứng
- Tập thể dục
- Mang thai .
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Wellhealth.com, Urmc.rochester.edu