Tìm hiểu nghĩa gốc là gì? Nghĩa chuyển là gì? Cùng một số ví dụ giúp học sinh biết cách sử dụng đúng và phù hợp nghĩa của từ.
Nghĩa gốc là gì?
Nghĩa gốc được hiểu là nghĩa đầu tiên hoặc nghĩa có trước, trên cơ sở nghĩa đó mà người ta xây dựng nên nghĩa khác.
Nghĩa chuyển là gì?
Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành dựa trên cơ sở nghĩa gốc, và vì vậy chúng thường là nghĩa có lí do, và được nhận ra qua nghĩa gốc của từ.
Ví dụ nghĩa gốc, nghĩa chuyển
* Từ mũi
- Nghĩa gốc: bộ phận cơ thể người hoặc động vật (mũi người/động vật)
- Nghĩa chuyển: bộ phận phía trước của phương tiện giao thông đường thuỷ (mũi tàu, mũi thuyền).
* Từ cứng
- Nghĩa gốc: có khả năng chịu tác động bất lợi từ bên ngoài mà không bị lay chuyển hoặc thay đổi bản chất (cứng cây, thanh sắt cứng)
- Nghĩa chuyển: tính cách của một người (Cô bé này thật cứng đầu)
* Từ chín
- Nghĩa gốc: Lúa, hoa, quả... phát triển đến thời kì thu hoạch.
- Nghĩa chuyển: Lương thực, thực phẩm đã được xử lí, chế biến qua lửa hoặc điện: cơm chín, rau chín...
Hiện tượng chuyển nghĩa của từ
Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ trong ngữ cảnh sử dụng, tạo ra những nghĩa phái sinh (nghĩa chuyển) từ nghĩa ban đầu (nghĩa gốc) của từ.
Nhận diện nghĩa gốc và nghĩa chuyển
Vậy, làm thế nào để nhận ra đâu là nghĩa gốc, đâu là nghĩa chuyển của một từ.
- Cách đơn giản nhất với một người biết và sử dụng từ điển, đó là nghĩa gốc luôn được xếp ở vị trí số 1 trong giải thích nghĩa của từ.
- Trong trường hợp không có từ điển, bằng tri nhận của người bản ngữ (người nói tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ - sống trong cộng đồng nói tiếng Việt từ bé) thì khi nghe một từ vang lên, hình ảnh / hành động / đặc điểm nào hiện lên đầu tiên trong tưởng tượng chính là nghĩa gốc của từ - vì nghĩa gốc là nghĩa được sử dụng nhiều nhất, phổ biến, quen thuộc nhất.
(Theo Trần Thị Lam Thủy, vmied.edu.vn)
Bài tập về nghĩa gốc, nghĩa chuyển
Bài 1. Xác định nghĩa gốc nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ : vai, miệng , chân , tay , đầu trong đoạn thơ sau
Áo anh rách (vai )
Quần tôi có vài mảnh vá
(Miệng) cười buốt giá
(Chân) không giày
Thương nhau( tay) nắm lấy bàn( tay)!
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
(Đầu )súng trăng treo.
Gợi ý:
- Nghĩa gốc: Miệng, chân , tay
- Nghĩa chuyển: vai, đầu
- Nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ: Đầu
- Nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ: Vai
Bài 2. Cho các câu sau:
1. Thu đã về trên những góc phố Hà Nội.
2. Biển giàu có với bao nhiêu là thu, nhụ, đé,...
3. Chúng em thu giấy loại làm kế hoạch nhỏ.
4. Hội nghị đã thu được những kết quả tốt đẹp.
5. Bằng sự nỗ lực của bản thân, Lan đã thu hẹp khoảng cách với bạn đứng đầu lớp.
6. Ông bà tôi thu hoạch được rất nhiều bưởi.
7. Hoa ngồi thu mình trong góc.
Hãy giải thích nghĩa của từ “thu” trong từng trường hợp?
Gợi ý:
1. Thu – mùa thu (danh từ).
2. Thu – cá thu (danh từ).
3. Thu – hành động thu gom (động từ).
4. Thu – đạt được, có được kết quả nào đó sau một quá trình hoạt động (động từ).
5. Thu – thu hẹp khoảng cách (tính từ).
6. Thu – thu hoạch (động từ).
7. Thu - làm cho thân mình hoặc một bộ phận nào đó của cơ thể gọn lại, choán ít chỗ hơn và thường khó nhận thấy hơn (động từ).
Bài 3. Cho các nghĩa sau của từ “hạt giống”:
Nghĩa 1. Hạt dùng để gây giống.
Nghĩa 2. Những người còn trẻ đang có rất nhiều triển vọng hoặc đang được đào tạo, bồi dưỡng cho tương lai.
Hãy cho biết nghĩa nào của từ “hạt giống” được dùng trong các câu sau:
- Hạt giống em ươm trồng hôm nay đã bật nhú.
- Hết mùa cây ra quả, em xin ông một hạt giống về trồng trong vườn nhà.
- Cậu ấy được coi là hạt giống số 1 của mùa giải này đấy!
- Hạt giống này rất khỏe, nó đã nảy mầm mà không cần chăm bón.
- Họ đang chọn hạt giống cho đội tuyển quốc gia.
Gợi ý:
- Hạt giống em ươm trồng hôm nay đã bật nhú. (nghĩa 1)
- Hết mùa cây ra quả, em xin ông một hạt giống về trồng trong vườn nhà. (nghĩa 1)
- Cậu ấy được coi là hạt giống số 1 của mùa giải này đấy! (nghĩa 2)
- Hạt giống này rất khỏe, nó đã nảy mầm mà không cần chăm bón. (nghĩa 1)
- Họ đang chọn hạt giống cho đội tuyển quốc gia. (nghĩa 2)
Bài 4. Các từ chỉ bộ phận cơ thể động vật và người thường là từ nhiều nghĩa. Bạn hãy tìm một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của những từ sau đây: “lưỡi”, “miệng”, “cổ”, “tay”, “lưng”
Gợi ý:
- Lưỡi: lưỡi liềm, lưỡi hái, lưỡi lê, lưỡi gươm, lưỡi dao, lưỡi cày, lưỡi búa, lưỡi rìu…
- Miệng: miệng bình, miệng hố, miệng chén, miệng hũ, miệng núi lửa…
- Cổ: cổ chai, cổ áo, cổ lọ, cổ bình, cổ tay…
- Tay: tay ghế, tay tre, tay áo, một tay bóng bàn.
- Lưng: lưng đồi, lưng núi, lưng ghế, lưng trời, lưng đê…